date
Đường dây nóng:

Thúc đẩy văn hóa đọc thời kỳ 4.0

Đăng lúc: 00:00:00 19/04/2022 (GMT+7)

Hướng tới Ngày Sách Việt Nam (21/4) và đánh dấu 5 năm thực hiện đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng” do Thủ tướng phê duyệt năm 2017, chiều ngày 18/4/2022, lớp A2 Trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính K49, trường Chính trị tỉnh đã tổ chức diễn đàn “Ngày sách Việt Nam và Văn hóa đọc trong thời kỳ 4.0”. Đồng chí Lương Trọng Thành – Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng trường Chính trị tỉnh dự và phát biểu tại diễn đàn.

IMG-0443.jpg

Toàn cảnh diễn đàn văn hoá đọc

Tại diễn đàn, các học viên lớp A2 Trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính K49 phối hợp với cán bộ thư viện thành phố thuộc Trung tâm Văn hoá, Thông tin, Thể thao và Du lịch thành phố tổ chức trưng bày, xếp sách nghệ thuật theo các chủ đề: Hướng tới kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ; Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; các  văn kiện của Đảng; Sách do trường Chính trị Thanh Hóa chủ biên; Sách kỹ năng cán bộ lãnh đạo, quản lý; tài liệu về thành tựu phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Thanh Hóa…

IMG-0452.jpg
Cán bộ thư viện thành phố giới thiệu các chủ đề sách được trưng bày

Cũng tại diễn đàn các học viên cùng nhau trao đổi lịch sử ra đời, ý nghĩa ngày sách Việt Nam; những ảnh hưởng của công nghệ 4.0 đến văn hóa đọc truyền thống; trao  đổi về cách thức “đọc” hiệu quả trong thời kỳ 4.0.

IMG-0456.jpg
Cán bộ giáo viên và học viên trường Chính trị đọc sách tại thư viện của trường

Đồng thời giới thiệu các tác phẩm như:  “Búp Sen Xanh” của nhà văn Sơn Tùng;  “Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch  Hồ Chí Minh”;  “Học phong cách, rèn tác phong” do Tiến sỹ Lương Trọng Thành, PGS.TS Đỗ Xuân Tất, Tiến sỹ Lê Văn Phong (chủ biên).

Mục đích của diễn đàn “Ngày sách Việt Nam và Văn hóa đọc trong thời kỳ 4.0” nhằm  khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người nói chung và học viên trường Chính trị Thanh Hóa nói riêng đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam trong đời sống. Tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong trường học, gia đình, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập. Thông qua hoạt động này giúp cho bạn đọc hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển văn hóa đọc trong thời kỳ công nghệ số.

Thu Hiền