date
Đường dây nóng:

Người quản trang làm kinh tế giỏi

Đăng lúc: 00:00:00 27/07/2022 (GMT+7)

Gần 20 năm nay, ai có dịp đến viếng nghĩa trang liệt sĩ phường Đông Tân, đều cảm thấy yên lòng trước cảnh quan sạch đẹp và trang nghiêm. Người hàng ngày chăm sóc, trông nom nơi yên nghỉ của các liệt sĩ là anh Đàm Thế Lâm, Trung đội trưởng Trung đội dân quân cơ động phường Đông Tân.

20220719_085024.jpg
Nghĩa trang liệt sỹ phường Đông Tân

Anh Đàm Thế Lâm sinh ra và lớn lên ở xã Đông Tân, trước đây thuộc huyện Đông Sơn (nay là phường Đông Tân, TP Thanh Hóa). Năm 1996, sau khi rời ghế nhà trường, anh Lâm không thi đại học, cao đẳng như các bạn cùng trang lứa mà tham gia nghĩa vụ quân sự. Sau 2 năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh trở về địa phương làm ăn sinh sống. Khi ông ngoại anh nghỉ việc chăm sóc nghĩa trang phường Đông Tân, anh Lâm đã xin chính quyền địa phương thay ông ngoại tiếp tục công việc này. Được giao nhiệm vụ quản trang, anh Lâm thường xuyên dọn sạch cỏ dại, làm vệ sinh xung quanh khuôn viên, trồng cây xanh, trồng hoa và chăm sóc gần 30 phần mộ liệt sĩ.

20220719_085132.jpg
Anh Đàm Thế Lâm đang vệ sinh bên ngôi mộ

Thời gian đầu gắn bó với công việc quản trang, anh Lâm mở quán nước nhỏ ven đường, cạnh nghĩa trang để kiếm sống. Từ quán nước nhỏ ấy, dần dần anh mở thêm dịch vụ tang lễ, rồi mạnh dạn vay mượn nguồn vốn để mua đất ngay cạnh khu nghĩa trang và mở cơ sở sản xuất lăng mộ đá. Theo thời gian, cơ sở sản xuất của anh ngày càng được mở rộng, đến nay đã có khoảng 2.000m2. Sau nhiều năm hoạt động, anh Lâm đã tìm cho mình một lối đi riêng nên cơ sở sản xuất của anh đã tạo dựng được uy tín trên thị trường, được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến. Kiên trì khắc phục khó khăn, anh Lâm đã đưa cơ sở sản xuất lăng mộ đá của gia đình không ngừng phát triển, sản phẩm có mặt ở nhiều tỉnh, thành

trong cả nước. Ngoài Thanh Hóa, anh Lâm còn có 2 cơ sở giới thiệu sản phẩm ở tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Sau nhiều năm đi vào hoạt động, đến nay cơ sở sản xuất của anh có tổng mức đầu tư lên tới gần 10 tỷ đồng. Lợi nhuận theo đó cũng tăng dần qua từng năm, riêng năm 2021 đạt hơn 1 tỷ đồng. Hiện cơ sở sản xuất của anh đang tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức thu nhập từ 9 đến 17 triệu đồng/người/tháng. Phần lớn công nhân đều là những đồng đội và con em đồng đội từng đi nghĩa vụ quân sự với anh.

IMG_20220728_110030.jpg
Đàm Văn Lâm chuẩn bị cho công việc

Gắn bó với công việc quản trang gần 20 năm nay với nguồn phụ cấp mang tính “động viên”, anh Lâm trải lòng: “Tôi làm công việc này không phải vì phụ cấp mà vì tôi từng là người lính nên thấu hiểu sự hy sinh xương máu của những người đã ngã xuống. Họ đã hy sinh cho Tổ quốc trường tồn, cho mình hưởng cuộc sống tốt đẹp hôm nay nên tôi làm việc với cả cái tâm của mình để tỏ lòng biết ơn, sự tri ân sâu sắc. Làm công việc quản trang tuy không vất vả nhưng nếu không tâm huyết, trách nhiệm thì không thể gắn bó lâu dài được”.

Dù kinh tế gia đình đã khá giả hơn rất nhiều so với trước đây nhưng anh Lâm chưa bao giờ có ý định từ bỏ việc chăm sóc nghĩa trang. Khi có của ăn của để, ngoài dọn vệ sinh thường xuyên xung quanh nghĩa trang, vào các ngày rằm, mồng một hằng tháng, anh Lâm tự bỏ tiền của mình mua hoa và quả về dâng lên từng phần mộ. Tết đến xuân về hay mỗi khi Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) đến thì việc làm này được anh lo tươm tất, đàng hoàng hơn nhiều. Điều này đã để lại nhiều thiện cảm với người dân và thân nhân liệt sĩ mỗi khi đến thăm viếng nơi đây. Không chỉ thế, anh Lâm còn ủng hộ hơn 20 triệu đồng và cùng anh em trong đội dân quân cơ động của phường mua sơn về làm mới từng phần mộ liệt sĩ và trồng cây cảnh xung quanh khuôn viên nghĩa trang. Đây là việc làm ý nghĩa, tạo cảnh sạch đẹp để thân nhân các liệt sĩ cũng như con em trong và ngoài phường mỗi khi đến viếng nghĩa trang đều cảm thấy yên lòng./

Lê Thảo