date
Đường dây nóng:

20 năm đồng hành với công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội

Đăng lúc: 00:00:00 19/09/2022 (GMT+7)

Sáng ngày 19/9/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (NHCSXH) tổ chức Tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

 1.jpg
Các đại biểu dự hội nghị.

Dự hội nghị có đồng chí Dương Quyết Thắng, Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.Về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa; Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, các tổ chức chính trị - xã hội và các sở, ngành, đơn vị có liên quan.

18.jpg
Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị.

Trong 20 năm qua, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị, nhất là từ sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, việc tổ chức triển khai tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội.

Những năm đầu sau khi thành lập, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa có 14 phòng giao dịch tại các huyện, thị xã và nguồn vốn từ Ngân sách địa phương hỗ trợ 37 tỷ đồng. Đặc biệt từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Chi nhánh đã tiếp nhận nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH  để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách ngày càng tăng, đến nay đạt hơn 411 tỷ đồng, tăng gần 286 tỷ đồng. NHCSXH đã tham mưu, đề xuất triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng trưởng nguồn vốn, từng bước huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của cả xã hội tham gia thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, góp phần vào công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.

Với mô hình và mạng lưới hoạt động được tổ chức theo 3 cấp gồm Trụ sở chính ở trung ương, chi nhánh ở các tỉnh, phòng giao dịch ở các huyện, thị, thành phố, mỗi cấp đều có một bộ máy quản  trị và bộ máy điều hành tác nghiệp. Riêng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp gồm có 851 thành viên. Hàng năm, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp đã xây dựng và thực hiện kiểm tra, giám sát các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, qua đó giúp cho Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp điều hành hoạt động NHCSXH trên địa bàn an toàn, hiệu quả, đúng pháp luật.

IMG_1663570917214_1663574584184.jpg
Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam Dương Quyết Thắng đánh giá, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Thanh H
oá.

Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của các chương trình tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH đã luôn chú trọng, tích cực triển khai thực hiện, đưa chính sách đến với người dân một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh, trong đó tập trung ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại Thanh Hóa đã góp phần giúp hơn 321 ngàn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; gần 91 ngàn lao động được tạo việc làm từ Qũy quốc gia về việc làm; hơn 11,3 ngàn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được vay vốn; giúp hơn 448,3 ngàn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 637 ngàn công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; hơn 40,5 ngàn căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách (trong đó, có gần 2,6 ngàn căn nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung; hơn 01 ngàn căn nhà ở xã hội); 14 người sử dụng lao động được vay vốn để trả lương ngừng việc cho 841 người lao động do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19

Thành tựu đã đạt được của tín dụng chính sách xã hội trong 20 năm qua trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa thực sự là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo tại địa phương, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội.

Một số hình ảnh lãnh đạo UBND tỉnh trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai thực hiện vốn vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác..
9.jpg

12.jpg

Nhân dịp này, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 27 tập thể và 51 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai thực hiện vốn vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định xã hội trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2002-2022.

 

Thanh Xuân