date
Đường dây nóng:

Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục

Đăng lúc: 00:00:00 03/10/2022 (GMT+7)

Những năm gần đây, bên cạnh triển khai nhiều giải pháp nâng cao chăm sóc, giáo dục trẻ, các cơ sở giáo dục mầm non tư thục trên địa bàn thành phố Thanh Hóa đã quan tâm hơn đến việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhằm mang lại một môi trường giáo dục tốt nhất.

12.JPG
Cơ sở mầm non Kishome đầu tư đàn Piano dạy học giúp trẻ phát triển năng khiếu âm nhạc.

Theo thông kê, hiện trên địa bàn thành phố Thanh Hóa có hơn 100 nhóm trẻ, lớp mầm tư thục đang hoạt động. Để đáp ứng nhu cầu dạy và học, các chủ đầu tư đã xây dựng cơ sở vật chất, các điều kiện phục vụ hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Nhiều cơ sở đã không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, xây dựng môi trường cảnh quan, phòng học, phòng chức năng, mua sắm đồ dùng, đồ chơi hiện đại...Trong quá trình dạy và chăm sóc, các cơ sở rất chú trọng công tác bảo đảm an toàn cho trẻ;  trẻ đến trường, nhóm, lớp được bảo đảm an toàn cả về thể chất lẫn tinh thần, không có tình trạng ngộ độc thực phẩm và tai nạn thương tích xảy ra. Bên cạnh đó, các cơ sở còn quan tâm, xây dựng các chương trình giáo dục mở nhằm nâng cao chất lượng, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho trẻ, như: Giáo dục kỹ năng sống, dạy năng khiếu và các hoạt động trải nghiệm, tham quan trải nghiệm thực tế... 

Tuy nhiên, 2 năm vừa qua, đại dịch Covid-19 đã gây không ít thiệt hại, khó khăn đối với các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, đặc biệt là đời sống của đội ngũ giáo viên, nhân viên và chất lượng tổ chức các hoạt động giáo dục của các đơn vị. Nhằm giải quyết khó khăn, thời gian qua, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập do ảnh hưởng của dịch Covid-19, theo đó, thành phố Thanh Hóa đã có 38 cơ sở giáo dục ngoài công lập được Ngân hàng chính sách xã hội Thanh Hóa giải ngân cho vay với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng. Nguồn hỗ trợ này đã góp phần tạo điều kiện cho các cơ sở mầm non tư thục nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định, thích ứng kịp thời, linh hoạt với tình hình dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay.

Theo tìm hiểu thực tế, các cơ sở giáo dục mầm non tư thục mong muốn các cấp, ngành có nhiều giải pháp hơn nữa nhằm tháo gỡ những khó khăn và tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, như: Có các chính sách hỗ trợ đặc về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; vốn vay; tổ chức các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên; có cơ chế chính sách riêng để hỗ trợ các trường mầm non tư thục có thể tự chủ động công tác dạy học…

Để góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, thiết nghĩ, UBND các phường, xã cần tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình tổ chức hoạt động các cơ sở; tham mưu thực hiện đầy đủ chính sách cho đội ngũ giáo viên, chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ giáo viên, đồng thời, các cơ sở giáo dục mầm non tư thục cần quan tâm đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, quan tâm, thu hút giáo viên có trình độ chuyên môn và thực hiện đầy đủ các chế độ cho người lao động theo quy định, qua đó góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

 

Thanh Xuân