date
Đường dây nóng:

Thanh Hóa đổi mới tầm nhìn, hoạch định chiến lược, phát triển ngang tầm vị thế và xứng đáng với kỳ vọng của Nhân dân

Đăng lúc: 00:00:00 01/01/2021 (GMT+7)

Tròn 90 năm qua, dưới ngọn cờ của Đảng, Thanh Hóa trong lòng Tổ quốc, đồng hành cùng dân tộc, làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẻ vang, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, bước qua mấy cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống kẻ thù xâm lược từ mọi phía, cùng cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, gương mặt xứ Thanh với gần bốn triệu đồng bào càng rạng rỡ, ngày càng xứng đáng là một phần máu thịt của giang sơn thủ hiểm tin cậy nơi cực Bắc miền Trung của đất nước.

177d4194249t83070l0.jpg 
TP Thanh Hóa ngày càng đổi mới và phát triển. Ảnh: Hiếu Nam

Và, qua trường kỳ máu lửa và sự thử thách mất còn đó của lịch sử, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa càng tỏ rõ là một bộ phận trung thành và gan góc, góp phần hun đúc nên bản lĩnh và trí tuệ, khí phách và tâm hồn, đức nhân văn và sự hy sinh vô bờ bến của Đảng ta; ý chí và sức mạnh to lớn của Nhân dân Thanh Hóa cùng đồng bào cả nước làm nên sức mạnh vô địch của Tổ quốc Việt Nam, dưới ngọn cờ của Đảng, vì sự trường tồn của dân tộc, vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân Việt Nam, góp phần gìn giữ nền hòa bình, sự phát triển và tiến bộ của thế giới.

Từ những thành quả của nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XVIII của Đảng bộ tỉnh, có thể hình dung Thanh Hóa trong tầm nhìn trước mắt tới năm 2025, xa hơn là tới năm 2030 – một trăm năm Đảng bộ tỉnh ta và năm 2045 – một trăm năm thành lập nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Từ Đại hội lần thứ XIX của Đảng bộ tỉnh, kỳ vọng Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa quyết tâm, tập trung trí tuệ và sức mạnh tổng hợp giải quyết các công việc lớn, rất khó khăn nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng tới vị thế, vai trò và trọng trách chính trị của Đảng bộ Thanh Hóa mà Đại hội XIX vừa quyết sách.

Có thể cảm nhận gồm 6 loại trọng sự lâu dài và nổi bật.

Thứ nhất: Về tầm nhìn chiến lược và định vị chiến lược phát triển

Thanh Hóa đứng thứ 3 về quy mô dân số trong 63 tỉnh, thành; là vùng chuyển tiếp giữa miền Bắc và miền Trung Việt Nam trên nhiều phương diện: về hành chính, án ngữ cực Bắc Trung bộ, tiếp giáp với Tây Bắc bộ và đồng bằng Bắc bộ; về địa chất, miền núi là sự nối dài của Tây Bắc bộ, là đồng bằng lớn nhất Trung bộ, một phần nhỏ (phía Bắc huyện Nga Sơn) thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng và nhìn ra Vịnh Bắc bộ, với thềm lục địa bao quát 18.000km2.

Với địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa - xã hội và địa quốc phòng như thế, Thanh Hóa đã xác định rõ đường hướng cho giai đoạn mới 2020 – 2025, đó là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, khát vọng thịnh vượng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát triển công nghiệp nặng, nông nghiệp là nền tảng; công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; du lịch là mũi nhọn; tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng và 6 hành lang kinh tế. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng các hoạt động văn hóa – xã hội. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội”.

Đó là những vấn đề lớn, kết tinh tầm nhìn chiến lược, khát vọng phát triển tới năm 2025 và xa hơn nữa. Và, tất cả để hướng tới định vị mang tầm chiến lược phát triển Thanh Hóa đến năm 2025, với mục tiêu trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; và đến năm 2030, trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Thứ hai: Về lựa chọn đột phá sáng tạo nhằm phát triển toàn diện, nhanh và bền vững

Không đột phá trong tư duy và hành động sẽ không có một điều gì mới mẻ trong lý luận và thành công trong thực tiễn. Để phát triển một cách tổng thể, toàn diện, từ điều kiện của chúng ta, phải chăng cần đột phá về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội một cách đồng bộ, hiện đại, phá vỡ những “cục nghẽn mạch”, tạo nền tảng vững chắc và động lực mạnh mẽ tiến hành CNH, HĐH nhằm phát triển kinh tế - xã hội nhanh, mạnh và bền vững?

Mặt khác, mở khâu đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn để thu hút đầu tư. Đây là “cục nghẽn mạch” thứ hai, không chỉ của Thanh Hóa mà ở tầm toàn quốc. Chúng ta phải lựa chọn con đường riêng thực thi đồng bộ, có hiệu quả về cải cách hành chính. Nó không chỉ giải quyết công việc mà còn nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân; hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, thuận lợi trong việc thu hút đầu tư và phát triển. Điểm này mới là quan trọng nhưng rất khó khăn, lâu dài.

Và phải chăng, đồng thời để giải quyết “cục nghẽn mạch” về khoa học công nghệ, cần mở khâu đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ bằng cách chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững? Không như thế chắc chắn không thể có những “cú huých” tạo đột phá trong phát triển các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế trọng điểm. Và, sẽ không có bất kỳ những chuyển động nào, bứt tốc nào như mong đợi.

Ngoài ra, còn những “cục nghẽn mạch” nào cần đột phá và vượt qua nữa không? Tất nhiên, đây là công việc rất khó, thậm chí vô cùng nan giải, nhưng không thể không làm.

Thứ ba: Về lựa chọn, xây dựng hệ động lực nhằm tạo sự bứt phá phát triển bao trùm nhanh và mạnh mẽ

Để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, từ tổng kết thực tiễn và phát triển kinh nghiệm, Thanh Hóa cần phải tập trung phát triển các trung tâm kinh tế động lực, các trụ cột tăng trưởng, xây dựng các hành lang kinh tế..., tất cả để tạo không gian mới cho phát triển kinh tế - xã hội? Có thể nói, đây không chỉ kết tinh tầm nhìn mà còn thể hiện khả năng quy hoạch phát triển mang tầm chiến lược.

Kế thừa và phát triển kinh nghiệm từ nhiều nhiệm kỳ, từ địa kinh tế và địa xã hội, có thể hình dung về những trung khu phát triển vùng trên cơ sở các thế mạnh mang ý nghĩa động lực, gọi là trung tâm kinh tế động lực, hợp thành tổng thể kinh tế - xã hội Thanh Hóa.

Có thể nhận diện, đó là: Trung tâm động lực TP Thanh Hóa – TP Sầm Sơn nhằm phát triển dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực, với chất lượng cao; công nghiệp sạch, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đó là: Trung tâm động lực phía Nam, với cái lõi Nghi Sơn, với sự phát triển đa ngành, mà trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ logistics gắn với cảng biển Nghi Sơn. Đó là: Trung tâm động lực phía Bắc gồm chuỗi từ Thạch Thành tới Bỉm Sơn nhằm phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp vật liệu xây dựng, chế biến, chế tạo; chế biến nông, lâm sản, dược phẩm, da giầy, dịch vụ, du lịch. Rồi, Trung tâm động lực phía Tây Lam Sơn - Sao Vàng tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp hàng không, điện tử viễn thông, công nghiệp công nghệ cao; du lịch di sản...

Kinh nghiệm và thực tiễn cũng cho thấy, không thể có một nền kinh tế mạnh, phát triển bền vững, nếu thiếu các trụ cột tăng trưởng, tức các ngành kinh tế trụ cột làm giá đỡ, hình hài có tính quyết định tới tốc độ phát triển của nền kinh tế. Thanh Hóa xác định và phát triển hệ trụ cột này như thế nào? Ngành nào là giá đỡ, ngành nào giữ vị thế cạnh tranh ưu thế, ngành nào là cạnh tranh tiềm năng và triển vọng? Nếu xác định rõ các trung tâm động lực thì không thể không lựa chọn các trụ cột tăng trưởng tương dung và độc đáo, thậm chí riêng có, tạo nên thế mạnh cạnh tranh tuyệt đối.

Theo đó, công nghiệp chế biến, chế tạo có xứng đáng là một trụ cột tăng trưởng không? Ưu tiên phát triển các nhóm ngành trọng điểm nào của riêng ta? Phải chăng sản xuất xăng dầu, các sản phẩm sau lọc hóa dầu; hóa chất; nhựa; công nghiệp điện tử viễn thông? Và, phải chăng là sản xuất thiết bị y tế và công nghiệp dược phẩm; dệt may; giầy da; chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản... những ưu thế về quy mô, chất lượng và tiềm năng mà Thanh Hóa đang dồi dào và đầy triển vọng?

Nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp có xứng đáng là một trụ cột tăng trưởng không? Phải chăng phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng phải sản xuất tập trung theo vùng, quy mô lớn, công nghệ cao, theo chuỗi giá trị? Phải chăng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, trở thành động lực tăng trưởng của ngành nông nghiệp, phải tiến tới có một số sản phẩm đứng đầu cả nước? Phải chăng tất yếu phát triển nông, lâm, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm là yếu tố thành bại? Đây là nguồn sống, có ý nghĩa quyết định sức mạnh và tiềm năng phát triển của ngành nông nghiệp, động lực tạo nên các “xa lộ nông nghiệp”.

Kinh tế du lịch – một ngành công nghiệp không có khói của chúng ta có xứng đáng là một trụ cột tăng trưởng không? Phải làm thế nào để Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm du lịch, theo nghĩa hoàn bị nhất của cả nước? Tôi muốn nhấn mạnh hai chữ hoàn bị, một cách đa diện: du lịch biển, khám phá thiên nhiên biển; gắn du lịch, nghỉ dưỡng biển với du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh với hệ thống đền đài, di tích cố đô độc đáo, chỉ có ở riêng Thanh Hóa...

Y tế có xứng đáng trở thành một trụ cột tăng trưởng không? Để hiện thực hóa điều này thì Thanh Hóa phải đầu tư xây dựng được hệ thống dịch vụ y tế tốt nhất, ứng dụng các kỹ thuật y tế cao, chuyên sâu, tiên tiến, phục vụ người dân trong tỉnh và khu vực, gắn với xây dựng các trung tâm chăm sóc sức khỏe – du lịch nghỉ dưỡng...

Ngoài ra, phát triển hạ tầng có xứng đáng là một trong những trụ cột phát triển không? Bởi hiện nay yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, sự kết nối tự nhiên giữa các khu kinh tế động lực, các hành lang kinh tế, vùng liên huyện đang trở nên cấp bách. Hơn nữa, việc phát triển hạ tầng số, hệ thống đô thị hiện đại, thông minh, dự kiến năm 2025, có 41 đô thị, với tỷ lệ đô thị hóa đạt 40% trở lên, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu... vừa đang là thách thức vừa là cơ hội để chúng ta vượt lên trên lĩnh vực này.

Cùng với việc hoạch định các vấn đề đó, việc phát triển các hành lang kinh tế ra sao, phát triển các vùng liên huyện của Thanh Hóa như thế nào vẫn đang là những bài toán lớn. Chỉ có từ đây và qua đây, chúng ta sẽ đặt Thanh Hóa đúng tầm trong tổng thể phát triển chung của cả nước và giao lưu kinh tế quốc tế một cách thống nhất và thật sự hiệu quả.

Có thể nói khái lược, quy mô tăng trưởng rất quan trọng, chất lượng tăng trưởng cũng thật là quan trọng, nhưng cái làm nên vị thế, sức mạnh, uy tín Thanh Hóa chúng ta, là chất lượng của sự phát triển, mang tầm quốc gia. Mà điều này, rất mừng, tôi thấy đang lọt vào tầm nhìn, nằm trong tay các nhà khoa học và các đồng chí! Nhân dân Thanh Hóa đang trông đợi.

Thứ tư: Về đổi mới các cơ chế quản lý và vận hành nền kinh tế - xã hội...

Không thể phát triển nhanh, mạnh mẽ và bền vững, trực tiếp là càng không thể tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh đầy sức hấp dẫn, có sức hút đầu tư, huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, nếu thiếu một cơ chế quản lý và vận hành kinh tế - xã hội phù hợp và hiệu quả.

Cần thiết nhấn mạnh, lúc này hơn hết lúc nào, cơ chế, cơ chế và cơ chế! Đây không chỉ là thời cơ đổi mới mà còn là lực lượng đổi mới, không chỉ là mục tiêu đổi mới mà còn là thể chế đổi mới! Chung quanh vấn đề này, phải chăng cần tiếp tục nghiền ngẫm mấy phương diện sau:

Một là, đổi mới công tác quy hoạch phát triển. Đây là điểm xuất phát của đổi mới cơ chế. Quản lý và vận hành theo quy hoạch, chứ không tùy hứng, nhất thời. Phải rà soát, bổ sung, xây dựng mới các quy hoạch làm cơ sở thu hút và phát triển đầu tư một cách tổng thể, khoa học và mang tầm dài hạn. Không đầu voi đuôi chuột, không bắt cóc bỏ đĩa, không nhất thời chắp vá. Sự lệch lạc và phản phát triển bùng phát ở chính những hệ lụy này.

Hai là, đổi mới kiến tạo thể chế quản lý và vận hành. Chỉnh đốn, bổ sung, sửa đổi, ban hành mới các cơ chế, chính sách để tạo sự hấp dẫn, thuận lợi cho việc thu hút đầu tư: về cơ chế, chính sách tiếp cận, tích tụ đất đai; chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án đầu tư quy mô lớn; cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực xã hội hóa cho đầu tư phát triển; cơ chế, chính sách thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Khẩn trương khắc phục những hạn chế, yếu kém về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI),...

Ba là, đổi mới công việc đầu tư phát triển. Tính toán tổng thể, cơ cấu lại đầu tư công, tập trung bố trí nguồn lực thực thi các dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn đối với phát triển, nhất là có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, các công trình thủy lợi đầu mối, công trình trọng điểm của tỉnh, các dự án hạ tầng trường lớp học, các cơ sở y tế phục vụ cộng đồng dân sinh.

Bốn là, đổi mới công việc xúc tiến đầu tư và kiểm soát đầu tư phát triển. Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ, bảo vệ môi trường là tiêu chí để lựa chọn xúc tiến đầu tư; ưu tiên các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tác động lan tỏa, thân thiện với môi trường. Tập trung thu hút đầu tư từ các nước có tiềm năng về vốn, công nghệ. Tiếp tục vận động, kêu gọi các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty trong nước có uy tín, có năng lực tài chính đầu tư các dự án lớn trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra thực hiện các quy hoạch; xử lý nghiêm các vi phạm về quy hoạch.

Phải chăng là như vậy?

Thứ năm: Về mục tiêu và động lực yên dân và chăm lo đời sống toàn diện của Nhân dân - công việc gốc rễ mọi thành bại của sự phát triển.

Lịch sử từng xác tín lời cụ Nguyễn Trãi nói: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Công cuộc đổi mới càng chứng thực: Dân là gốc và dân làm gốc; không yên dân thì không thể có bất cứ một sự phát triển nào như mong đợi. Nhưng để yên dân, thì làm gì và làm thế nào?

Phải chăng cần phải lấy sản xuất phát triển và việc làm ổn định là cái căn bản để yên dân? Phải chăng an sinh xã hội cần được chăm lo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân là công việc trước hết; phát triển đoàn kết và đồng thuận xã hội là cái bảo đảm từ bên trong để yên dân? Và, phải chăng phải giữ gìn và phát triển môi trường sản xuất và sinh sống là cái tối quan trọng để yên dân?

Thanh Hóa trong những năm gần đây đã vươn lên tốp dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế, quy mô nền kinh tế đã vươn lên đứng thứ 8 cả nước, cao nhất trong các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ, nhưng tự hỏi: Như thế liệu đã xứng đáng với tiềm năng, ngang tầm với yêu cầu phát triển chưa, liệu bảo đảm và ở mức độ cơ bản có thể cải thiện, nâng cao đời sống của toàn thể Nhân dân chưa? Muốn nhấn mạnh rằng, mục tiêu của mọi sự phát triển là xuất phát từ Nhân dân, vì Nhân dân và cho Nhân dân. Nói cách khác, Nhân dân là trung tâm mà mọi sự phát triển phải xoay chung quanh nó, chứ dứt khoát không phải ngược lại.

Kinh tế phát triển nhanh, nhưng Nhân dân được hưởng lợi từ đó về việc làm, về thu nhập, về an sinh xã hội như thế nào, tỷ lệ số người được thụ hưởng bao nhiêu và hiện giờ ra sao? Việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, sự chuyển dịch việc làm khu vực nông thôn theo hướng phi nông nghiệp ra sao? Cơ cấu lao động chuyển dịch có tương dung với tốc độ và phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu ngành và các thành phần kinh tế không, còn những gì bất cập, xu hướng vận hành ra sao, liệu tới “ngưỡng” chưa?...

Tất cả cần định vị, định lượng, không dừng ở hướng, định tính. Không bắt đầu từ cái gốc sản xuất và sự đóng góp to lớn, thụ hưởng tương xứng cụ thể của Nhân dân thì không thể nói chuyện yên Dân, càng không thể bàn định phát triển toàn diện, mạnh mẽ, hiện đại và bền vững!

Thứ sáu: Về hòa mục khát vọng, tôn trọng và bảo vệ các lợi ích hợp tác, hội nhập, để tất cả cùng phát triển.

Trong thế giới phẳng, không hội nhập, hợp tác không thể phát triển. Đối với nước ta, hợp tác là yêu cầu và động lực bảo đảm thống nhất sự phát triển quốc gia một cách toàn diện, đồng bộ và bền vững. Đối với Thanh Hóa, đã tích lũy không ít kinh nghiệm trên phương diện này.

Trước yêu cầu mới, phải tiếp tục triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả công tác đối ngoại, trọng tâm là kinh tế đối ngoại, nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới nội dung, phương pháp và hiệu quả công tác thông tin đối ngoại quảng bá môi trường đầu tư kinh doanh đến bạn bè trong nước, quốc tế và kiều bào ta ở nước ngoài để nâng cao vị thế, thu hút đầu tư, du lịch. Mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức tài chính lớn, các cơ quan hợp tác quốc tế. Kết hợp chặt chẽ giữa công tác đối ngoại với xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tại nước ngoài, tập trung vào các quốc gia có tiềm năng về vốn, công nghệ; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức hữu nghị.

Đảng bộ Thanh Hóa tổ chức thành công Đại hội lần thứ XIX, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Với những quyết sách của Đại hội lần thứ XIX, kỳ vọng Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa sẽ có phương lược phát triển xứng tầm, hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước; một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc. Kỳ vọng tầm nhìn năm 2045, Thanh Hóa phấn đấu là tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước, với tầm vóc mới, xứng đáng với truyền thống hào hùng, vinh quang của vùng đất có bề dày lịch sử, yêu nước và cách mạng.

TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
(Báo Thanh Hóa)