date
Đường dây nóng:

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc tại TP.Thanh Hóa

Đăng lúc: 00:00:00 22/11/2020 (GMT+7)

Sáng 22/11/2020, đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông do đồng chí Nguyễn Huy Dũng – Thứ trưởng dẫn đầu đã có buổi làm việc với TP.Thanh Hóa về đề án xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh.


IMG-0707.JPG

Toàn cảnh buổi làm việc       

Tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí Đỗ Trọng Hưng – Bí Thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa; đồng chí Lê Anh Xuân - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy; đồng chí Mai Xuân Liêm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các Sở, ngành của tỉnh, các đồng chí trong BTV Thành ủy, lãnh đạo các phòng, ban của thành phố.

IMG-0705.JPG

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng – Bí Thư tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa phát biểu và tặng hoa chúc mừng đồng chí Nguyễn Huy Dũng – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trên cương vị công tác mới.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã chúc mừng đồng chí Nguyễn Huy Dũng mới được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Nhắc lại đề xuất, kiến nghị của cử tri TP.Thanh Hoá tại buổi tiếp xúc với đại biểu HĐND tỉnh mới đây về đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, đng chí Bí thư Tỉnh uỷ khẳng định tỉnh Thanh Hóa sẽ ủng hộ và giúp đỡ cao nhất để TP.Thanh Hóa thực hiện mục tiêu này. Đây cũng là góp phần đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, Nghị quyết 58 nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh: Để thực hiện mục tiêu Thanh Hoá trở thành tỉnh khá, 1 cực tăng trưởng thì đóng góp của các ngành, địa phương là rất quan trọng. Với vai trò, vị trí tỉnh lỵ, Tp.Thanh Hoá phải đi đầu mọi mặt, trong đó xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đánh giá cao tinh thần, quyết tâm, chủ động của thành phố. Tuy vậy, để đạt được kết quả tốt nhất, rất mong Bộ Thông tin và Truyền thông, các chuyên gia CNTT quan tâm, hỗ trợ về giải pháp, công nghệ, chuyên môn…

Tại buổi làm việc, đại diện Ban quản lý đầu tư xây dựng số 2 thành phố đã báo cáo tóm tắt đề án xây dựng TP. Thanh Hoá trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2030. Báo cáo nêu rõ: TP. Thanh Hoá là đô thị loại I trực thuộc tỉnh có vai trò, vị trí quan trọng đối với tỉnh Thanh Hoá và khu vực Bắc Trung Bộ; là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá, khoa học, kỹ thuật và quốc phòng, an ninh của đơn vị hành chính cấp xã...Trong nhiệm kỳ qua, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung nguồn lực đầu tư của tỉnh; sự nỗ lực, quyết tâm cao của cấp uỷ, chính quyền, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân TP.Thanh Hoá đã đạt được  những kết quả quan trọng. Về thực trạng triển khai đô thị thông minh trên địa bàn TP. Thanh Hoá, TP.Thanh Hoá được đánh giá là đơn vị hành chính có hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin có chất lượng cao, khá đồng bộ và hiện đại với nhiều tiện ích tiên tiến. Đến nay hệ thống mạng Cable quang đã phủ khắp địa bàn cung cấp đầy đủ dịch vụ Internet và đường truyền số liệu có băng rộng với 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lớn Viettel, VNPT, FPT. Hệ thống Internet công cộng miễn phí từng bước được triển khai tại các trung tâm mua sắm, nhà hàng, khách sạn…Đến nay, trên địa bàn thành phố có gần 3000 điểm truy cập Internet công cộng. Doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông ngày càng tăng về số lượng, các sản phẩm công nghệ thông tin, viễn thông có tính cạnh tranh cao. ng dụng CNTT-VT trong xây dựng chính quyền điện tử được quan tâm, triển khai đồng bộ. Ứng dụng CNTT-VT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu thuộc các nhóm thương mại điện tử; điều khiển, tự động hoá; dịch vụ tài chính, thuế, ngân hàng và quảng bá…

Mục tiêu tổng quát xây dựng TP.Thanh Hoá trở thành thành phố thông minh bền vững hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững thông qua việc ứng dụng CNTT-VT và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội toàn diện và bền vững. Cụ thể, giai đoạn 2020-2025: Hoàn thành kiến trúc ICT đô thị thông minh bảo đảm về mặt pháp lý và các tiêu chuẩn kỹ thuật; xây dựng kho dữ liệu số, hình thành hệ thống dữ liệu mở trên cơ sở số hoá hiện trạng, chuyển đổi và tự động thu thập thông qua hệ thống thiết bị cảm biến; xây dựng và triển khai mô hình trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh bảo đảm việc thực hiện các chức năng điều hành, giám sát; xây dựng chính quyền số; lxây dựng hoàn chỉnh mô hình hệ sinh thái thông minh trong các lĩnh vực quy hoạch đô thị và quản lý trật tự đô thị, quản lý đất đai thông minh…; đánh giá thực tiễn triển khai của từng giai đoạn. Giai đoạn 2025-2030: Triển khai một số dịch vụ cơ bản về môi trường thông minh như giám sát chất lượng nước, không khí tại các điểm đông dân cư, khu công nghiệp…; hoàn thiện kiến trúc ICT đô thị thông minh, tạo nền tảng cốt lõi của đô thị thông minh đáp ứng điều kiện triển khai internet vạn vật, xử lý dữ liệu lớn; áp dụng trí tuệ nhân taọ (AI) vào các dịch vụ đô thị thông minh.

IMG-0704.JPG

Đồng chí Lê Anh Xuân – Bí thư Thành ủy đề xuất với đoàn công tác.

Trên cơ sở đề án, tại buổi làm việc, đồng chí Lê Anh Xuân – Bí thư Thành ủy đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông  hình thành 4 trụ cột để xây dựng đô thị thông minh tại thành phố Thanh Hóa là: Quản trị, đời sống, môi trường và kinh tế. Trên cơ sở đề xuất đó, thành phố mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm nghiên cứu lựa chọn để hỗ trợ thành phố xây dựng thành công đô thị thông minh.

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông cũng đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông trong lĩnh vực quản lý về giao thông thông minh bởi trên thực tế, tình trạng mạng lưới giao thông trên địa bàn thành phố đã có tính chất phức tạp do lượng phương tiện tăng nhanh. Bên cạnh đó là quá trình thực hiện Chính quyền điện tử rất cần sự quan tâm của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tại buổi làm việc, đại diện các thành viên trong đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông đã góp ý vào đề án để xây dựng thành phố Thanh Hóa trở thành đô thị thông minh, trong đó chủ yếu phải triển khai thực hiện các giải pháp để xây dựng đô thị thông minh căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương. TP.Thanh Hóa sớm triển khai khung tham chiếu kiến trúc ICT giúp địa phương xác định tầm nhìn và kế hoạch tổng thể, lâu dài, đồng thời bảo đảm tính đồng bộ và bền vững trong phát triển đô thị thông minh. Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh là kiến trúc mở, mô-đun hóa, bảo đảm tính tương thích, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu và khả năng mở rộng linh hoạt tùy theo quy mô đô thị, sự thay đổi của các nghiệp vụ liên quan và xu hướng phát triển công nghệ. Kiến trúc ICT là cơ sở tham chiếu để phát triển, cung cấp các dịch vụ đô thị thông minh một cách nhanh chóng, hiệu quả, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Kiến trúc ICT có khả năng kết nối, tương tác với các hệ thống đã có sẵn và bảo đảm tính mở để có thể dễ dàng kết nối với các hệ thống sẽ hình thành trong tương lai; Năng lực lưu trữ, khai phá, phân tích dữ liệu theo nhiều ngữ cảnh khác nhau phù hợp cho nhiều đối tượng người sử dụng; bảo mật dữ liệu, phân quyền truy cập, phát hiện và cảnh báo sớm các lỗ hổng và mối nguy an ninh mạng...

IMG-0703.JPG

Đồng chí Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị, Thanh Hóa nói chung và TP.Thanh Hóa nói riêng cần đặt ra 3 mục tiêu mang tính chiến lược là: Chính quyền số (nhờ công nghệ số làm cho người dân tin vào Đảng và chính quyền hơn); Kinh tế số (nhờ công nghệ làm cho đời sống kinh tế của người dân giàu lên) và Xã hội số (làm cho người dân hạnh phúc hơn). UBND tỉnh, thành phố Thanh Hóa  cần cụ thể hóa các chỉ số mang tính chiến lược trên cơ sở 3 mục tiêu trên. Trong đó tập trung vào phát triển công nghệ số, đồng thời thường xuyên đánh giá tiến độ xây dựng đô thị thông minh.

Đồng chí Thứ trưởng đề xuất thành phố Thanh Hóa cần thuê tư vấn thiết kế xây dựng đề án đô thị thông minh; lựa chọn chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ số trên cơ sở giới thiệu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Bộ sẽ đồng hành trong xây dựng dự toán và cơ sở pháp lý để xây dựng đề án thành phố thông minh và huy động sự tham gia của các doanh nghiệp. Bộ Thông tin và Truyền thông thống nhất đưa TP.Thanh Hóa vào danh sách thực hiện thí điểm đô thị thông minh. Sau khi có Nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cần xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết, xây dựng đề án để triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ đồng hành và triển khai thực hiện với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các doannh nghiệp; Bộ cũng cam kết mang nền tảng công nghệ số mới nhất về Thanh Hóa để thực hiện đô thị thông minh, mang các sự kiện mới nhất về triển khai tại Thanh Hóa nhằm giúp tỉnh quảng bá và thuận lợi hơn trong quá trình xây dựng đô thị thông minh.

IMG-0702.JPG

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng – Bí Thư tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại  buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đỗ Trọng Hưng - Bí Thư Tỉnh ủy tiếp thu mọi ý kiến đóng góp của đại diện các thành viên trong đoàn công tác và cá nhân đồng chí Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Đồng chí mong rằng những đóng góp của của đoàn công tác tại buổi làm việc sẽ là nền tảng quan trọng để thành phố Thanh Hóa xây dựng thành công đô thị thông minh.

Nhân dịp này, đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã tham quan phòng truyền thống của Thành ủy mới được khánh thành và đưa vào vận hành nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng bộ thành phố Thanh Hóa (15/11/1945 – 15/11/2020).

Đoàn công tác tham quan phòng truyền thống của Thành ủy.

IMG-0708.JPG

IMG-0709.JPG

IMG-0710.JPG


Thu Hiền