date
Đường dây nóng:

CCB Lê Xuân Giang - Nhân chứng sống bảo vệ cầu Hàm Rồng

Đăng lúc: 00:00:00 31/03/2021 (GMT+7)

Vào những ngày đầu tháng 4, khi thành phố Thanh Hóa náo nức hướng đến cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, chúng tôi có dịp gặp gỡ CCB Lê Xuân Giang – Nguyên Chính trị viên Đại đội 4, Trung đoàn 228 không thể nào quên khoảng thời gian tham gia chiến đấu tại trận địa Hàm Rồng. Ông khẳng định chiến thắng Hàm Rồng ngày 3,4/4/1965 đánh dấu một dấu son quan trọng trong sự lãnh đạo của Đảng đối với một trận đánh đã đi vào huyện thoại.

IMG-3027.jpg

Chân dung CCB Lê Xuân Giang - Nguyên Chính trị viên Đại đội 4

Trao đổi với chúng tôi, CCB Lê Xuân Giang tâm sự: “Hơn 10 năm bám trụ bảo vệ cầu Hàm Rồng, ông cùng đồng đội đã bắn rơi 117 máy bay, bắt sống 4 phi công. Tinh thần anh dũng của các chiến sỹ đã làm nên chiến thắng Hàm Rồng”. Ông nhớ lại: “Năm 1965, khi quyết định mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ coi cầu Hàm Rồng, TP.Thanh Hóa là “điểm tắc” huyết mạch nối hai miền Nam - Bắc. Chúng dùng mọi thủ đoạn, sử dụng đủ loại vũ khí hiện đại đánh phá cây cầu nhằm cắt đứt tuyến đường giao thông huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam. 220 chiến sỹ Trung đoàn 228 Hàm Rồng đã anh dũng hi sinh để bảo vệ “niềm tin của bốn phương gửi về”.

Ngày 3, 4/4/1965 là hai ngày đen tối của không lực Hoa Kỳ bởi ông nhớ rất rõ rằng, năm 1965, ông Giang nhập ngũ, sau đó được phân công vào Trung đoàn 228 Hàm Rồng, thực hiện nhiệm vụ của một trắc thủ ra-đa chiến đấu trên đồi C4. Thời điểm ấy khẩu đội 4, Đại đội 4 được được xem là hỏa lực số một bảo vệ cầu có hiệu quả nên giặc Mỹ tìm mọi cách ném bom đánh phá. “Chiều 3/4/1965, máy bay Mỹ bắt đầu chao lượn trên bầu trời, thả 350 quả bom, bắn 149 quả rốc-két xuống Hàm Rồng, nhưng cây cầu vẫn sừng sững, hiên ngang. Toàn lực lượng Trung đoàn được huy động đánh vỗ mặt đối phương, kết quả trận đánh này có 17 chiếc bị bắn hạ”, ông Giang nhớ lại: “Giặc Mỹ không chấp nhận thất bại, đến 10h20’ ngày 4/4, chúng tiếp tục tăng cường máy bay phá cầu Hàm Rồng từ nhiều phía”. Nhờ bày binh bố trận hợp lý, nắm bắt được điểm yếu của địch, quân đội ta bắn hạ thêm được 30 chiếc máy bay, đưa tổng số máy bay giặc Mỹ bị bắn rơi trong 2 ngày 3 - 4/4/1965 lên 47 chiếc. Đây được ví là hai ngày đen tối nhất của không lực Hoa Kỳ. Còn với những chiến sỹ bảo vệ cầu Hàm Rồng như ông và các đồng đội, khí thế chiến thắng trận đầu đã khơi dậy lòng yêu nước sục sôi trong họ, hàng trăm nam thanh, nữ tú thi nhau đào hầm, vận chuyển vũ khí, đạn dược trong đêm.

Sau trận đánh ngày 3 - 4/4, đế quốc Mỹ càng đánh phá cầu Hàm Rồng ác liệt hơn. Vào ngày 28/7/1965, Mỹ công kích vào trận địa bằng súng 20 ly. Khẩu đội 4 bị thương 4 người, trong đó đồng chí Nguyễn Văn Điền bị 11 vết thương nhưng vẫn bám trụ chiến đấu cho đến khi bị ngất, những người bị thương còn lại không rời vị trí. Sau ngày đó, khẩu hiệu “Bị thương nặng không kêu ca, bị thương nhẹ không rời vị trí” được các chiến sỹ khắc sâu trong tâm trí.

IMG-3028.JPG

CCB Lê Xuân Giang thả bộ trên cây cầu Hàm Rồng

Sau sự kiện ngày 3,4/4/1965, đến ngày 3/9/1967, địch lại dùng loại bom bi quả ổi để ném vào trận địa của ta (loại bom này chứa 365 bi con). Ông Lê Xuân Giang bồi hồi nhớ lại: Khẩu đội 4 có 6 chiến sỹ thì hy sinh 4 người, trong đó có khẩu đội trưởng Nguyễn Đắc Trung, quê ở tỉnh Hà Tây cũ. “Mặc dù trận đánh đã kết thúc nhưng pháo vẫn bắn liên hồi. Khi chúng tôi chạy đến hầm thì cả khẩu đội vẫn ngồi theo một đội hình. Pháo thủ số 1 Nguyễn Bá Chữ đã hi sinh nhưng chân anh đang đặt trên cò pháo nên pháo vẫn vãi đạn. Nhìn máu các anh tràn trên mâm pháo, chúng tôi không cầm được nước mắt. Sau trận này, câu khẩu hiệu “Thà gục trên mâm pháo, quyết không để cầu gục” lại được đồng đội hô vang như một lời thề quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”. Mỹ tiếp tục điên cuồng thả bom xuống cầu Hàm Rồng. Lần này không phải là bom bi mà là bom sát thương. Trận đánh vô cùng ác liệt khiến 5/6 pháo thủ hy sinh tại chỗ, nhiều chiến sỹ cháy đen không còn hình dạng, buộc phải dựa vào giày dép, vị trí ngồi để nhận dạng. Như một cái dớp, Khẩu đội 4 trở thành “điểm đen” của địch, nhưng lại là nỗi ám ảnh đối với chiến sỹ của ta. Việc thành lập lại khẩu đội lần thứ ba phải dựa vào tinh thần tự nguyện.

Nhắc lại ký ức này, CCB Lê Xuân Giang tự hào về tinh thần quả cảm của các đồng đội: “Không run sợ trước giặc, nhiều anh em đã xung phong vào khẩu đội 4, chiến sĩ Lê Xuân Thanh, người duy nhất sống sót trong trận chiến ngày 18/1 cũng đã tình nguyện ở lại chiến đấu và làm khẩu đội trưởng tiếp tục chỉ huy”.

3 năm chiến đấu ác liệt (1965 - 1967), máu của đồng đội đổ xuống vô cùng lớn nhưng nhân dân xứ Thanh lúc bấy giờ tự hào vì lực lượng quân đội đã tiêu diệt được 99 máy bay địch. Thành quả to lớn này được Bác Hồ ghi nhận, mời đồng chí Lê Xuân Thanh ra gặp Bác (năm 1968). Giữa Thủ đô Hà Nội, Bác đã nói “Nếu Thanh Hóa bắn rơi máy bay thứ 100 thì Bác sẽ vào thăm”. Trở về, chiến sỹ Thanh truyền đạt lại lời Bác với Trung đoàn Hàm Rồng, tất cả chiến sỹ lại ra khẩu hiệu “Quyết tâm bắn rơi máy bay thứ 100”. Tuy nhiên, sau đó Mỹ ngừng bắn phá cầu Hàm Rồng cho tới năm 1971 mới bắt đầu mở lại chiến dịch đánh phá lần 2.

Trao đổi với CCB Lê Xuân Giang về bản tình ca Hàm Rồng, bản thân Tôi thế hệ được sinh ra trong hòa bình rất khâm phục và tự hảo bởi ý trí, lòng yêu nước của quân và dân Hàm Rồng. Bằng một giọng đanh thép ở cái tuổi xưa nay hiếm, CCB Lê Xuân Giang khẳng định “Tinh thần anh dũng của các chiến sỹ đã làm nên chiến thắng Hàm Rồng huyền thoại”.

Thu Hiền